Quy định về kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án.
Kháng cáo là gì?
Hiện nay, pháp luật chưa quy định khái niệm riêng về thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, dựa trên bản chất của thủ tục này có thể hiểu như sau:
Kháng cáo bản án sơ thẩm/kháng án sơ thẩm là thủ tục yêu cầu Tòa án cấp trên xem xét lại vụ án đã được Tòa án sơ thẩm xét xử khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật. Thủ tục kháng cáo bản án có một số đặc điểm như sau:
- Thủ tục chỉ được thực hiện theo yêu cầu của đương sự trong vụ án. Trong một số trường hợp đặc biệt có thể kháng cáo thay (nội dung này sẽ được Luật Hùng Bách làm rõ trong phần tiếp theo của bài viết).
- Thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp trên (Tòa án phúc thẩm). Ví dụ: Tòa án cấp quận/huyện xét xử sở thẩm thì Tòa án cấp tỉnh xét xử phúc thẩm; Tòa án cấp tỉnh xét xử sơ thẩm thì Tòa án cấp cao xét xử phúc thẩm.
- Người yêu cầu phải thực hiện trong thời gian pháp luật quy định (Khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật).
Tại sao cần kháng cáo bản án sơ thẩm?
Có nhiều lý do dẫn đến việc đương sự có nguyện vọng muốn kháng cáo bản án sơ thẩm. Thực tiễn tham gia giải quyết các vụ án chúng tôi nhận thấy các lý do phổ biến gồm:
- Đương sự cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết không khách quan, không áp dụng đúng quy định của pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm đến quyền lợi của mình.
- Gia đoạn sơ thẩm đương sự chủ quan , không am hiểu kiến thức pháp luật. Không có sự tham gia hỗ trợ bảo vệ của Luật sư. Từ đó dẫn đến việc không đưa ra được các chứng cứ, căn cứ pháp lý, phương án để bảo vệ quyền lợi của mình.
- Đương sự thu thập được thêm các tài liệu, chứng cứ mới có thể làm căn cứ để giải quyết vụ án.
- Đương sự muốn kéo dài thời gian giải quyết vụ án,..
- Án phí kháng cáo không tốn kém. Án phí kháng cáo cho các vụ án thông thường chỉ mất 300.000 đồng. Không đáng kể nếu so với lợi ích đạt được trong trường hợp kháng cáo thành công.